Tại buổi làm việc, Ông Trần Đình Luân đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên bang Nga đối với ngành thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua, Việt Nam và Liên bang Nga đã có mối quan hệ đặc biệt, gắn kết trên nhiều lĩnh vực, hai bên còn có nhiều tiềm năng lợi thế để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng trong thời gian tới. Dư địa cho phát triển giữa hai bên nhằm bổ trợ lẫn nhau trong đó, Liên Bang Nga có nhiều lợi thế trong lĩnh vực đóng tàu, kinh nghiệm trong điều tra về nguồn lợi thủy sản trên biển, phát triển khai thác thủy sản, nuôi cá nước lạnh, đặc biệt là sản phẩm cá tầm,…Việt Nam có đội ngũ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng sản xuất chế biến các mặt hàng tôm, cá tra, cá basa.
Trước đó, năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và đại diện của Chính phủ Liên Bang Nga cũng đã ký kết biên bản kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Hỗn hợp Việt–Nga về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản. Hai bên đã trao đổi hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu tài nguyên sinh vật tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khả năng sản xuất hoạt chất sinh học từ sinh vật sống trong thủy vực của Việt Nam; sử dụng rong biển từ Nga để nuôi thử nghiệm trên các vùng biển của Việt Nam, xử lý vấn đề dịch bệnh trên thủy sản cũng như chương trình đào tạo cán bộ và trao đổi chuyên gia giữa hai bên.
Hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như: cá Tra, tôm,…rất được ưa chuộng tại thị trường Nga. Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) có hiệu lực từ tháng 10/2016, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga đã có bước tiến mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 30%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tận dụng được cơ hội và mở rộng thị trường tăng giá trị xuất khẩu. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Nga, đứng đầu trong ASEAN và thứ 6 trong số các nước APEC.
Hai bên cho rằng việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của nhau, dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thị trường, mong muốn và năng lực của các doanh nghiệp hai nước. Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi về tình hình hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng thủy sản giữa hai nước, đánh giá thực trạng quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chức năng về xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủy sản giữa hai nước, tăng cường tìm hiểu về thị trường của nhau.
|
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Ekaterina Bakeeva cũng đồng quan điểm với phía Việt Nam về tiềm năng lợi thế hai bên còn rất lớn, cần thúc đẩy hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên có lợi thế. Trên vị trí Tham tán – Công sư, Bà Ekaterina Bakeeva bày tỏ mong muốn được tăng cường kết nối hợp tác với phía Việt Nam trong các lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là thúc đẩy thương mại giữa hai nước thời gian tới.
Nhân sự kiện hôm nay, hai bên cho rằng đây là tiền đề và là hoạt động có ý nghĩa để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thủy sản nói chung và thúc đẩy phát triển thương mại thủy sản nói riêng trong thời gian tới, đồng thời nhằm kết nối các doanh nghiệp hai nước đến gần với nhau, thúc đẩy giao thương và gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Cũng tại buổi làm việc, phía Liên bang Nga mong muốn trong thời gian tới thường xuyên trao đổi đoàn công tác giữa hai nước, hai bên thúc đẩy xây dựng chương trình, kế hoạch nội dung hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Đặc biệt trong tháng 9/2023 tới, phía Liên bang Nga sẽ tổ chức Diễn đàn, hội chợ triển lãm ngành thủy sản, nhân dịp đã có thư mời và mong muốn phía Việt Nam cử lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thủy sản và đội ngũ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tham dự và đăng ký các gian hàng triễn lãm nhằm tìm hiểu cơ hội thị trường và quảng bá thương hiệu, công nghệ nuôi trồng, sản xuất chế, chế biến giữa các doanh nghiệp hai bên.
Phát biểu, kết luận buổi làm việc, Ông Trần Đình Luân vui vẻ nhận lời bố trí thời gian để tham dự và giao nhiệm vụ cho các đơn vị hai bên cùng trao đổi, thảo luận về chương trình hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Văn Thọ